BALI – LẠC BƯỚC THIÊN ĐƯỜNG


Dưới đây mình xin chia sẻ một chút về lịch trình chi tiết 6 ngày 5 đêm tại thiên đường biển đảo Bali - Bali rất rộng, chu vi đảo lên tới hơn 5.500 km². Địa điểm vui chơi và hoạt động chính nằm ở phía Đông, Đông Nam và Nam đảo. Cụm đảo Nusa bao gồm Lembongan, Cenigan, Penida nằm ở biển phía Đông Nam Bali, cách đảo khoảng 30p đi tàu thủy. Bạn có thể tham khảo các kinh nghiệm Bali khác để lựa chọn điểm đến phù hợp.

1. CHUẨN BỊ
Sau chuyến Bali mà mình thực sự đã đổ tâm huyết tìm hiểu và lên kế hoạch rất nhiều và nhận lại kết quả khá hài lòng. Vì vậy rất muốn chia sẻ để các bạn có thêm những kinh nghiệm để có thể đi và chơi một cách đơn giản hơn.

Nếu bạn có dư dả kinh tế thì đó là may mắn, vì bạn hoàn toàn có thể chủ động đi bất cứ đâu bạn muốn mà có thể không cần đến Tips này của mình.

-  Thứ nhất, chia sẻ này của mình dành cho những ai mê du lịch nhưng kinh tế không phải điểm mạnh, muốn đi chơi nhưng không phải thích là đi. Chúng mình cần lên kế hoạch sớm và từ đó làm từng việc một để không bị quá áp lức về tiền.

-  Thứ hai, đây là kiểu du lịch trải nghiệm. Không phải du lịch nghỉ dưỡng. Thích hợp cho nhóm bạn bè, hoặc cặp đôi. Không hẳn là không phù hợp với gia đình và trẻ nhỏ, gia đình vẫn có thể áp dụng nhưng mình có thể thay đổi một chút như là chọn phương tiện di chuyển phù hợp như ô tô thay vì xe máy chẳng hạn.

2. TIÊU CHÍ: TIẾT KỆM NHƯNG KHÔNG KHỔ

Thực tế là mình chưa đạt đến trình để đi du lịch kiểu “khổ” được. Kiểu chỉ có balo và niềm tin như các blogger du lịch ấy, xong đến đâu tính kiếm tiền qua ngày đến đó. Mình chưa thể làm được việc ấy. Mình vẫn cần chuẩn bị đầy đủ tiền bạc, đồ dùng cho số ngày mình đi. Vẫn ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ nhưng chi phí trong dự trù, hạn chế các phát sinh ngoài kế hoạch.

3. TẠI SAO LẠI LÀ BALI ?

Thực sự Bali là một hòn ngọc tuyệt đẹp. Người dân Bali, hay người Indonesia làm dịch vụ khá tốt. Họ tận dụng mọi lợi thế họ có, phô bày hết sức mọi vẻ đẹp mà mảnh đất này dành cho họ, để quảng bá và kéo được khách nước ngoài đến. Kéo được khách đến rồi thì cái cách làm dịch vụ để giữ khách và tạo ấn tượng tốt thực sự là đáng học hỏi.

Vài lý do theo mình là đáng để bạn nên chọn Bali:

A. Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2, thậm chí thông dụng hơn ngôn ngữ bản địa: bạn có thể hỏi đường bất cứ ai trên đường mà bạn gặp bằng tiếng Anh, và tất nhiên họ đều sẵn sàng giúp bạn. Kể cả không nói được thì họ nghe có thể vẫn hiểu đến 50%, vì tiếng Indonesia có rất nhiều từ mượn Tiếng Anh, viết có thể hơi khác nhưng phát âm thì na ná. Vì thế vốn Tiếng Anh của bạn không cần phải tốt lắm, chỉ cần nói được vài câu đơn giản đủ để hỏi đường, gọi đồ ăn, mặc cả giá (nếu có) là có thể xách mông lên xuất ngoại.

B. Là nơi đan xen giữa nhiều văn hóa và vẻ đẹp khác nhau: trong khi Kuta là trung tâm ăn chơi sầm uất, thì UBUD cách đó chỉ khoảng 40km lại là một thị trấn xanh yên bình, và chỉ cách 30p đi tàu ra cụm đảo Nusa (Lembongan, Cenigan, Penida) thì lại là một thiên đường trải nghiệm du lịch biển với những kỳ quan thiên nhiên thực sự phải dùng từ ‘kỳ diệu’ để diễn tả. Đến đây là coi như bạn có thể được trải nghiệm gần như toàn bộ nét văn hóa của Indonesia.

C. Nhiều chỗ chơi: thực sự là không có sức để đi hết.

D. Khách hàng luôn là Thượng đế: bạn đến một quán ăn bình dân, hay vào nhà hàng sang trọng, khách sạn giá rẻ hay resort 5 sao thì cách đón tiếp bạn là như nhau. Theo trải nghiệm của mình thì họ luôn cười khi phục vụ khách, kể cả khi không phục vụ như lúc bạn ngồi chờ đồ ăn. Suốt 6 ngày ở đó mình chưa nhận được 1 cái cau mày, khó chịu hay thô tục nào. Thực sự là mất tiền nhưng vẫn sướng. OK là làm dịch vụ thì tất nhiên phải như vậy nhưng thật buồn là ở Việt Nam nhiều lúc mình mất tiền nhưng không hề thấy sướng chút nào, nên mới có sự so sánh như vậy.

4. NÊN DÀNH BAO NHIÊU NGÀY CHO BALI ?

Bali là 1 hòn đảo lớn, và thường đến Bali sẽ kết hợp với cụm đảo nhỏ cách đó khoảng 30p đi tàu là cụm đảo Nusa. Vì vậy nếu có thời gian, sức khoẻ, kinh tế và thực sự hứng thú trải nghiệm, khám phá thì nên dành từ 10-15 ngày cho Bali.

Như mình ban đầu cũng nghĩ sẽ chỉ loanh quanh trên đảo thì 6 ngày (1 ngày bay còn 5) là đủ. Nhưng tất nhiên mình đã lầm, và giờ về rồi vẫn tiếc vì lỡ rất nhiều nơi không đến được.  Thế mới thấy thời gian và tiền bạc đều không có giá trị nếu không có sức khoẻ.

5. ĐẾN BALI THỜI ĐIỂM NÀO ?

Bali có 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Thời điểm này nếu đi thì giá vé rất rẻ, cũng không có khách du lịch mấy nên nếu bạn đã đến Bali rồi, trả nghiệm đủ rồi thì có thể chọn thời điểm này để nghỉ dưỡng. Chọn một resort ở UBUD và nằm dài ngắm mưa rả rích thì tuyệt cú mèo.

Mùa khô là từ tháng 5 đến tháng 10. Cao điểm du lịch là tháng 7, 8, 9. Không nên đi vào 3 cái tháng này vì Vé máy bay rất đắt, khách du lịch đông như quân nguyên. Bạn có thể chọn đi thời điểm như nhà mình, đợt nghỉ 30/4 – 1/5. vừa đúng đợt nghỉ lễ, mà bên đó chưa phải cao điểm, thời tiết đã hết mưa rồi, như cả 6 hôm mình ở đó thì trời đều nắng không một gợn mây. Tất nhiên là hên xui thôi, có thể đến tháng 5 vẫn mưa nhưng sẽ ít hơn, nhanh tạnh. Thời tiết nắng nhưng không oi bức, rất dễ chịu, thậm chí nếu ở UBUD thì những chỗ không có nắng chiếu đến sẽ rất mát, đôi khi là lạnh luôn nếu là đi xe máy và mặc quần áo mỏng.

Bali nổi tiếng với biển có sóng to cho dân lướt sóng (surfing), chứ biển Bali kém đẹp hơn Đà Nẵng, Nha Trang nhiều. Nếu là dân chuyên nghiệp thì thời điểm mùa mưa lại là lúc nên đến nếu muốn lướt những cột sóng cao nhất. Tất nhiên chỉ dành cho dân chuyên nghiệp thôi. Nếu biết chơi, không chuyên thì vẫn là nên đi trong khoảng mùa khô thôi, có thể bắt đầu từ tháng 3-4. Nếu muốn bắt đầu học thì cứ đi cái lúc đông đông ý, có sao còn có người cứu ạ =)))

6. THỦ TỤC, HÀNH LÝ CẦN CHUẨN BỊ

Indonesia hay một số nước Đông Nam Á khác thì mình đều không cần xin Visa.

Tất cả mọi thứ bạn cần là:

A. Passport (Hộ chiếu) còn thời hạn ít nhất 6 tháng: 1 bản chính và ít nhất 1 bản photocopy (để riêng, không để chung 1 chỗ)

B. Vé máy bay và các loại vé khác (chi tiết ở phần sau).

C. Credit card (Visa, Master Card): kiểu gì thì thẻ ghi nợ nó cũng có giá trị của nó, đặc biệt là đi nước ngoài.

D. Tiền mặt: nên đổi USD cầm đi, có thể đổi một ít tiền địa phương trước – một ít đủ tiền taxi hoặc ăn bữa đầu tiên. Sang nước bản địa đổi từ USD bao giờ cũng được giá cao hơn đổi ở Hà Trung (Hà Nội) VD Hà Trung: 100 USD = 1,150,000 rupia, ở Bali: 100 USD = 1,350,000 – 1,390,000 rupia (tỷ giá tháng 5/2018).

E. Quần áo, giày dép thoải mái, đừng quên vài bộ để sống ảo. Và đồ bơi, kính, mũ, ...

F. Thuốc cơ bản, đặc biệt thuốc về tiêu hóa vì rất có thể sẽ không hợp đồ ăn.

G. Kem chống nắng (rất nắng và rát), kem chống muỗi (nhiều cây nên nhiều muỗi)

H. Vốn Tiếng Anh cơ bản.

I. Nên mang balo nếu bạn đủ sức khỏe vì sẽ tiện di chuyển hơn rất nhiều.

7. CÔNG CUỘC SĂN VÉ MÁY BAY GIÁ RẺ

Nếu xác định đi tầm tháng 4-5 thì nên săn vé từ khoảng tháng 10-11 năm trước. Mình book của Air Asia tổng khứ hồi 2 người là 10,2M. Đây không phải mức giá rẻ nhất, vì trước đó khoảng chưa đến 1 tháng mình đã xem và tính ra chỉ khoảng hơn 8M tất cả, nhưng lúc ý chưa máu, với cũng thử chờ xem có hạ giá nữa không. Sau xem lại thì thấy vé chỉ có tăng lên thôi nên book luôn, vẫn tiếc vì đắt hơn gần 2M =))).

Kinh nghiệm là săn các đợt giảm giá của Air Asia, Vietjet Air. Đây là hãng hàng không giá rẻ của Malaysia, chất lượng theo mình đánh giá thì trung bình khá, nhỉnh hơn Vietjet Air. Điểm cộng là không hoặc rất ít delay, mình chưa bị delay lần nào trong cả 4 chặng bay. Có thể là do sân bay KLIA rất rộng và hãng cũng có nhiều máy bay nên không bị tình trạng thiếu máy bay hay “tắc” sân bay.

Ngoài Air Asia thì có thể tham khảo các hãng khác như Manlindo Air, Lion Air, Singapore Airline.

8. Ở ĐÂU VỪA ĐẸP VỪA RẺ ?

Nhìn chung khách sạn ở Bali khá rẻ. Nếu nhu cầu resort cao cấp sang xịn mịn thì cũng chỉ khoảng 2M – 5M/đêm. Nhà mình chỉ ở mức trung đổ lại nhưng cũng thấy rất ổn rồi, cộng với cách trang trí của họ rất hợp lý, quan trọng là sạch sẽ và lịch sự.

A. Sanur: Semarandana Hotel – nghỉ qua đêm chờ tàu ra Nusa rất OK. Sạch sẽ, có hồ bơi và bar nhỏ. ~ 450k/2người/đêm (tùy từng thời điểm)

B. Kuta: Cara cara Inn – Smart Hostel đúng nghĩa: Nhỏ gọn, sạch sẽ và thông minh. Phòng rất nhỏ chỉ khoảng 9-10m2 cho 2 người nhưng đầy đủ giường tầng, WC, bàn & đèn đọc sách, giá để quần áo, đồ đạc… ~550k/2 người/đêm (tùy từng thời điểm)

C. Ubud: Villa D’Bisma –  Resort hạng trung: Nhỏ nhắn, yên tĩnh, view ra khoảng đồng lúa rất bình yên. Có hồ bơi và chòi ngắm cảnh. Mỗi phòng là 1 villa, WC có bồn tắm nằm và 1 phòng tắm lộ thiên, thú thật tắm lộ thiên rất thống khoái, mà yên tâm là họ thiết kế để ở bên ngoài dù ở vị trí nào cũng không nhìn được mình tắm đâu. ~550k/2 người/đêm (tùy từng thời điểm).

D. Nusa Lembongan: Sukanusa Luxury Huts – Resort hạng trung. Họ xây dựng các phòng là các chòi lá 2 tầng rất thiên nhiên nhưng lại ấm cúng và sang chảnh. Có hồ bơi, quầy bar và các dịch vụ khác như tour lướt sóng, đạp xe, thuê xe máy… ~ 750k/2 người/đêm (tùy từng thời điểm).

9. LỊCH TRÌNH CHI TIẾT 6 NGÀY 5 ĐÊM

Ngày 1: Bay, bay và bay

Đúng vậy, chúng mình mất nguyên 1 ngày để bay từ Hà Nội đến Bali.

Chúng ta có 2 chặng bay là HAN-KUL và KUL- DPS (Bali), mỗi chặng mất 3 giờ bay. Bạn cần chú ý khoảng nghỉ giữa 2 chặng bay, đó là thời gian transit ở sân bay KLIA2 (Kuala Lumpua). Vì sân bay này rất rộng, việc check-out, làm thủ tục hải quan đến, xong lại check-in, làm thủ tục hải quan đi chiếm tổng thời gian lên đến 2 giờ. Nên đừng mạo hiểm mà book 2 chặng cách nhau dưới 2 giờ. Ít nhất hãy book cách nhau 3 giờ (nếu có chuyến), hoặc như mình là cách hẳn 4 giờ.

Nhưng bây giờ thì khác rồi đã có chuyến bay thẳng từ Hà Nội đến Bali quá đơn gian và thuận tiện, vì thời điểm cả nhà mình đi lại chưa có bay thẳng :(( Bạn nào trong nam thì đã có sân bay Tân Sơn Nhất rồi nhé  

Tuy việc phải nằm chờ ở sân bay cho chuyến tiếp theo khá chán, nhưng còn hơn là chẳng may bạn book sát giờ, rồi chuyến trước bị delay và lấn giờ khiến bạn thiếu thời gian làm thủ tục => muộn giờ chuyến sau, hoặc riêng việc lúc nào cũng trong tình trạng nơm nớp lo sợ, rồi vội vội vàng vàng thì đã khiến chuyến đi kém happy rồi.

Yên tâm sân bay KLIA2 rất rộng, và có nguyên tầng 2 là trung tâm thương mại to ngang cái Royal City hoặc hơn. Tất nhiên chỉ nên đi ngắm, hoặc ăn uống thôi chứ chưa nên mua gì, mua gì hãy để lượt về, đỡ phải mang thêm đồ, và tránh việc tiêu lạm budget

Và tiện thể thì mua luôn Sim điện thoại . Có 2 gói là 5GB 3G + 5GB 4G và 6GB 3G + 6GB 4G +38GB Bonus dùng trong 1 tháng. Tùy vào nhu cầu và số ngày sử dụng thì chọn gói phù hợp. Mình mua gói 5GB, hết 178,232 VND, đến hôm về vẫn còn quá nửa số GB chưa dùng. Nhưng lưu ý là sim này không phủ sóng ở cụm đảo Nusa, nên bạn có thể tham khảo các nhà mạng khác, cái này mình không để ý, đến lúc ra đảo rồi mới thấy là không có sóng, nên coi như mất 2 ngày không dùng gì đến sim. Để tránh trường hợp này thì thay vì mua sim các bạn có thể thuê cục phát wifi, giá cũng khá rẻ tùy vào số ngày bạn đi thì mua số dung lượng phù hợp.

Ngày 2: Nusa Lembongan

Cụm đảo Nusa gồm có 3 đảo nhỏ và vừa, và nếu bạn đến Bali mà không ra các đảo này thì thực sự là thiếu sót. Và đây cũng là điểm đến tốn nhiều sức lực của bạn nhất nên hãy ưu tiên đi vào ngày đầu tiên, khi khí thế còn đang hừng hực và sức khỏe thì vẫn căng tràn.

Đêm đầu tiên từ sân bay về mình nghỉ ở khách sạn khu vực biển Sanur – cảng tàu xuất phát đi ra cụm đảo Nusa – để tiết kiệm thời gian di chuyển.

Vé tàu mua trước ở gilitickets. Tổng 2 người khứ hồi là 68$, vào khoảng 1,550,000 VND.

Thật ra đi đến bến cảng mới mua cũng được, giá có thể thấp hơn một chút. Nhưng tại sao nên mua trước và mua ở trang web này?

  • Có thể xem và lựa chọn giờ đi – về để chủ động lịch trình.
  • Dịch vụ đưa đón 4 chiều: khách sạn ở Bali ra bến tàu, bến tàu về khách sạn ở Lembongan, khách sạn ở Lembongan ra bến tàu, bến tàu về khách sạn ở Bali. Bạn chỉ cần điền địa chỉ khách sạn bạn cần đón, cần trả khi book vé. Rất chuẩn và đúng giờ, không cần số điện thoại để gọi điện trước, cứ đúng giờ hẹn họ sẽ có mặt.
  •  Mình đi chuyến tàu 9h30 sáng của D’Camel, 8h45 mình được đón tại khách sạn bằng xe 7 chỗ với 1 đôi vợ chồng Trung Quốc nữa, và chỉ thế thôi không đón thêm khách nên đi rất nhanh và ngồi thoải mái. Ra đến bến thì người đón bọn mình hướng dẫn cách lấy vé, vì đi sáng rất đông nên nhờ anh lái xe xếp hàng giúp nên bọn mình không phải chờ quá lâu. Mình đã book vé online nhưng cũng như đi máy bay, vẫn phải check-in để lấy vé giấy lên tàu tại bến nhé!

bãi biển đông người tại nusa lembongan

Tàu rất rộng, nhìn ngoài có vẻ giống tàu cái ngầm đi Cô Tô hay Cát Bà nhưng bên trong bề ngang có vẻ rộng hơn, thoáng hơn, và quan trọng là đi không bị mệt kiểu say song như tàu nhà mình. 10h là tới bến Jungut Batu ở Lembongan. Nhân viên ở bến sẽ gom các khách ở cùng khu vực để chở 1 chuyến xe lam, chả biết gọi là xe gì vì giống giống xe lam 3 bánh ở mình, hoặc xe tải loại nhỏ. Trên đảo ít di chuyển bằng ô tô.

Ăn trưa ở Warung Pancer: 75,000 rupiah cả đồ uống. Quán được recommend trên Tripadvisor, đồ ăn khá rẻ và ngon, nhưng chỉ có chưa đến 10 món, đều là món đặc trưng bản địa nên không có quá nhiều lựa chọn. Chỗ này gần khách sạn mình ở, ở khu Jungut Batu, phía Đông Bắc đảo nên nếu ở phía Tây hay Nam đảo thì có thể tìm lựa chọn khác.

 Thuê xe máy cho 2 ngày là 150,000 Rupiah. Bạn có thể hỏi khách sạn, có thể có sẵn cho thuê hoặc họ sẽ chỉ cho bạn chỗ thuê, giá như nhau.

Dream Beach: bãi biển nhỏ nằm ở phía Tây Nam đảo. Thực sự chỉ là 1 bãi biển rất nhỏ nhưng họ làm du lịch tốt nên khách vẫn đến check-in nườm nượp. Bên trên là 1 resort với bể bơi tràn sống ảo rất tuyệt. Mình không vào nên không review giá được, các bạn có thể search Dream Beach Huts để tham khảo.

Devil’s Tear: cách Dream Beach chỉ khoảng 600m, có biển chỉ dẫn chỗ ngã 3 đi vào Dream Beach. Đây thì thực sự là kỳ quan của tự nhiên. Mình vẫn không thể hiểu tại sao lại có thể tạo ra những hình ảnh tuyệt vời như thế. Bạn tưởng tượng có một cái hốc phía dưới vách đá dựng đứng, sóng biến đánh vào vách đá sẽ bị hút một lực vào trong hốc sau đó thì kiểu như áp lực cao nên nước từ hốc đánh ra rất mạnh, tạo thành những “giọt nước mắt của Quỷ” rất ấn tượng.

devel's tear

Đi bộ thêm 1 đoạn thì sẽ có cái “sân” tự nhiên này, đứng giữa “sân” và thách thức sóng biển cảm giác rất tuyệt. Những ngày lặng sóng nếu to gan có thể đi bộ ra mép “sân” và sống ảo thì tuyệt vời.

sóng đánh tại devel's tear

Gần khu này còn có một chỗ là Water Blow nhưng mình không tìm thấy chỗ xuống và cũng chiều rồi nên tranh thủ đi sang Cenigan ngắm hoàng hôn nên không đi nữa.

Cenigan là đảo nhỏ nhất trong 3 đảo Nusa, đi từ Lembongan sang Cenigan chỉ cần tìm đến cây cầu Vàng – Yellow Bridge. Cầu nhỏ, nếu đi gặp xe máy ngược chiều thì phải giảm tốc lại để tránh nhau.

cầu vàng tại bali

Sang Cenigan thì đừng quên đi đến Blue Lagoon, như một quãng nghỉ của biển, nước tràn vào cái vịnh nhỏ này màu xanh ngọc bích đẹp tuyệt, đúng là nên đến đây vào lúc hoàng hôn, ánh mặt trời hắt một chút xuống khiến màu sắc thật sự là ảo diệu.

blue lagoon

Nhưng nếu có thời gian đến sớm thì ở ngay gần đấy có 1 bãi cỏ lau rất rộng, tha hồ cho chị em sống ảo, lúc mình ở đó thì trời cũng sẫm tối rồi nên chụp không còn được đẹp nữa.

Quay trở lại con đường về Cầu Vàng, mình dừng chân ở quán Last Stop Bar and Cafe. Quán này mà ngồi ngắm hoàng hôn thì quá tuyệt, phía dưới còn có một bãi nước thấp, có cắm võng sống ảo cho các bạn trẻ dám lội nước đi ra. Mình đến muộn nên cũng không được thưởng thức.

last stop bar and cafe

Ăn + uống bữa này hết 200,000 Rupiah = 400,000 VND. Đồ ăn tạm được, đồ uống ngon. Ở quán này nói riêng và Bali nói chung có 1 món là Spring Rolls – như nem cuốn ở mình nhưng không ngon bằng – rất đắt và rất ít, đặc biệt nếu nhân là hải sản => không nên gọi. Quán này có anh chủ quán khá dễ thương, nói chuyện và gợi ý cho bọn mình vài típ hay ho cho chuyến đi ngày hôm sau.

Chiều trở về khách sạn cũng là gian nan vì đi lại đường ban chiều thì thành đi vòng, mà đi đường gần hơn thì khó tìm đường do trời tối. Đánh liều đi theo map thì gặp 1 đoạn đường rừng, chính xác là đi vào rừng và đường xấu chỉ là rải đá chút xíu, vừa nhỏ vừa gập ghềnh vừa tối, lỡ đi rồi nên cố, mất khoảng 2km như thế mới ra tới đường chính. Cũng hú hồn phết. Kinh nghiệm là cứ tìm đường to mà đi.

Ngày 3: Nusa Penida

Đây là ngày vất vả nhất, và nuối tiếc nhất chuyến đi.

đường đèo ở penida

Muốn sang Penida thì phải đi tàu mất chừng 20p từ bến chân cầu Vàng, cầu đi sang Ceniga hôm qua đó. Vé khứ hồi là 240,000 Rupiah/2 người, mua ngay tại cái quán nhỏ phía bên tay trái cầu. Nếu đi trong ngày thì phải quay về trước 5h chiều thì mới còn tàu, nếu không là ở lại.

Mình chủ quan không đi sớm, mãi 9h30 mới mò ra đến bến tàu. Tự đi xe máy ra nên không mất tiền taxi (xe lam), thường thường cũng tới 100,000 Rupiah để ra đến bến tàu – quá đắt cho đoạn đường chỉ khoảng 4-5km. Mang xe máy ra bến cứ vứt ở bến không cần mất tiền gửi, và cũng không ai trông, bởi vì cũng không ai lấy =))) 

Khoảng 10h đến Penida, thuê xe máy tiếp 70,000 Rupiah đã đổ đầy xăng.

Đi một mạch theo đường ven phía Bắc đảo tới điểm đầu tiên là Atuh Beach, bên cạnh là Thousand Island. Đường đi nửa đoạn đầu rất đẹp, một bên là biển một bên là núi, đường đẹp, ít xe, đi sướng. Đến nửa đoạn sau thì bắt đầu vào giữa đảo nên đường xấu hơn, khó tìm và khó đi hơn. Đến Atuh Beach sẽ có bãi gửi xe trên vách. Để xe ở bãi rồi đi bộ xuống quãng khoảng 200m, mua vé 2 người và 1 xe là 25,000 Rupiah.

Atuh Beach cũng chỉ là một vịnh nhỏ có bãi đá dài, sóng biển lúc thủy triều dâng thì đứng ở giữa bãi đá cũng chỉ đến ngang lưng. Nếu đi sáng sớm thì sẽ thấy bãi đá lộ thiên, về cơ bản thì có nước vẫn đẹp hơn. Muốn xuống bãi biển phải leo xuống vách đã được xây bậc cơ bản nhưng dựng đứng, cao khoảng hơn 20m. Ok leo xuống được thì phải leo lên được nha!

atuh beach vào buổi trưa

Thousand Island là tên của các bạn Tây đặt cho khu này, tên địa phương là Pulau Seribu. Nó ở bên kia sau cái mỏm đá như hình cái tháp kia cơ, mình cũng không biết có đường xuống không nhưng nhìn vách đá rất cao và dựng đứng cũng đủ rùng mình rồi. Vì không có thời gian nên mình không sang được đến Tree House – viewpoint của Thousand Island. Đọc review thì phí vào là 10,000 Rupiah/người.

thousand islands

Plan của mình là đi qua Peguyangan Waterfall rồi đi tiếp đến Kelingking nhưng ước lượng thời gian còn không nhiều nên bỏ qua Peguyangan, tìm đường đến Kelingking luôn. Đường siêu khó tìm vì rất nhỏ. Điện thoại không có sóng, không có mạng, may là GPS vẫn còn định vị nên vẫn biết mình đang ở đâu để tìm đường. Mẹo là luôn bật định vị nhé, bật từ lúc có mạng và search map trước đi, khi đến lúc mất mạng rồi thì định vị vẫn còn và mình vẫn có thể dùng được để biết mình đang ở đâu, chỉ hơi khó vì không có chỉ đường như lúc có mạng thôi. Đoạn này phải đổ thêm 20,000 Rupiah xăng nữa, nghĩa là đầy bình nữa.

Kelingking là một biểu tượng của Penida nói riêng hay của Bali nói chung. Ai đến đây cũng đều phải đến Kelingking. Đó là một vịnh nhỏ có cát trắng hiếm hoi ở đây. Điều đặc biệt nữa là đường xuống được dưới vịnh là phải đi qua con đường nhỏ “trên lưng khủng long”. Mỏm đá có hình như Khủng long vươn ra biển này chính là thứ mà mọi người sống chết phải đến được đây. Nhìn tận mắt thực sự rất hùng vĩ, cảm giác sờ sợ nhưng rất muốn chinh phục. Mình lúc đến Kelingking là 3h chiều rồi, chụp ảnh ở trên một chút đã là 3h30, bạn rủ xuống dưới đi nhưng mình tự tin là không thể kịp giờ leo lên để về nên bỏ qua.

Thậm chí về luôn lúc ấy mà bọn mình cũng phải chạy đua với thời gian vì điện thoại hết pin, con sạc dự phòng cũng ngủm. Tìm mọi cách, lắp sim vào máy còn pin thì cũng không lấy đc tí sóng nào để mở định vị. Loay hoay rồi sạc nhờ được 15% ở chỗ quán nghỉ mới đi được tiếp. Lúc này đã là gần 4h. Đoạn đường quay trở về bến tàu không xa nhưng dự là khó đi như lúc đến nên vẫn sợ không đủ thời gian. May có con ô tô cũng đi cùng hướng, nó đi trước mình đi theo sau nên không mất công tìm đường nữa. Phi ầm ầm và 4h55p có mặt ở bến tàu. Vừa kịp trả xe máy và gọi với tàu cho lên. Cứ như cuộc đua kỳ thú, thật =)))

Tiếc bởi vì còn ít nhất 2 điểm muốn đến mà không thể đến: Broken Beach và Crystal Bay. Chưa kể là không leo xuống vịnh Kelingking được nữa. Nếu đi sớm từ khoảng 7h chắc sẽ thoải mái hơn, cũng đỡ mệt hơn.

Tối về khá mệt nên chẳng đi đâu xa lại ăn ở Warung Pancer, tối quán đông khách và không khí cũng đúng kiểu khu du lịch hơn. Ăn xong đi ra biển, mình nghỉ khách sạn cách biển chừng 200m nên đi bộ thoải mái. Nằm ghế lười uống nước relax ở một quán chả nhớ tên, hình như là của resort nào đó view biển, vì thế mà đồ uống khá đắt, 2 đứa gọi 2 cốc nước ép rẻ nhất 35,000 Rupiah/cốc.

Ngày 4: Trở về UBUD

Sáng ăn uống nghỉ ngơi, thu dọn đồ đạc rồi check-out, chờ xe đón ra bến tàu lúc 11h45. Mình quay về chuyến 12h30. Lưu ý là vẫn phải vào quầy lấy vé nhé.

Về đến Sanur là 1h chiều, lúc này sóng to dập dềnh mãi mới cập được thuyền vào bến, rồi thậm chí đi từ thuyền vào phải lội nước ướt từ thắt lưng xuống luôn. Ai không dám lội thì các nhân viên tàu sẽ bế lên bờ để tránh bị ướt. Ubud cách Sanur khoảng 40km. Có xe trung chuyển miễn phí chở về tận khách sạn ở Ubud.

Đến Ubud, buổi chiều nếu thuê xe máy nên đi Monkey Forest, Bali Bird Park, vé mỗi chỗ 50,000 Rupiah/người/lượt. Bali Swing 31$/người/lượt.

Hình ảnh có liên quan

Hoàn thiện chuyến đi UBUD của bạn với Xích Đu Bali !!!

Mình muốn đi bộ cho thoải mái nên chỉ đi được mỗi Monkey Forest, đó là một khu rừng bảo tồn khỉ, rất nhiều khỉ, đừng ăn gì khi ở đây vì kiểu gì cũng bị chàng khỉ nào đấy nhảy đến cướp. Lưu ý khi ngắm khỉ là đừng nhìn thẳng vào mắt chúng; đừng động vào hay tiến lại gần khỉ con khi có bố mẹ chúng ở đấy; đừng động vào 1 con khi 1 con khác đang bắt chấy hay vuốt ve cho nó. Chúng nó sẵn sàng nhe nanh và lao vào bạn mà cấu xé đấy.

bầy khỉ tại monkey forest

Ở đây họ bảo tồn thiên nhiên rất tốt. Ubud giống như một thành phố trong rừng vậy. Nếu bạn từng xem phim hoạt hình Phi vụ động trời – Zootopia thì sẽ liên tưởng đến ngay khi ở Ubud. Cứ tưởng tượng xen giữa nhà ở là đồng lúa, tiếp đến lại là rừng với toàn cây cổ thụ, sau đó lại là đường phố, rồi lại khu dân cư….

đường phố tại ubud

UBUD có rất nhiều chùa, kiến trúc thì đều cùng một kiểu là có cổng vào giống như 1 cột tháp tách đôi. Nếu đã từng đọc và yêu thích cuốn Eat – Pray – Love (Ăn, Cầu Nguyện và Yêu) thì Ubud chính là nơi dành cho bạn. Yên bình, xanh mát, là nơi tuyệt vời để nghỉ ngơi. Vì thế mà Ubud cũng chính là thiên đường của các resort nghỉ dưỡng. Tùy vào điều kiện kinh tế sẽ có rất nhiều lựa chọn về chỗ ở.

UBUD cũng có ruộng bậc thang, nhưng thua xa ruộng bậc thang ở Y Tý hay Mù Căng Chải nhà mình. Chỉ là họ làm du lịch cực tốt, có mỗi cái khoảng ruộng bậc thang khoảng vài hecta thôi nhưng họ có hẳn mấy tour: Trekking, Cycling around the Tegalalang Rice Field rất chuyên nghiệp.

Cánh đồng lúa bậc thang nổi tiếng, có lối đi cho người tham quan đi xuống

Có một lối đi bằng gỗ rất đẹp mắt trong khuôn viên rừng

Gao Gajah Tegalalang Rice Field and Monkey Forest Full Day Tour in Ubud

Đền Goa Gajah (Goa Gajah Temple) - Đây là ngôi đền Hindu được xây dựng từ thế kỉ 11, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1995. Giá vé vào cổng là 15.000 IDR, giữ xe thêm 2.000 IDR nữa

Buổi tối đi dạo trên con phố Monkey Forest – thẳng từ cổng Monkey Forest ra – là con phố sầm uất với nhà hàng, cửa hàng, shop quần áo, cafe…. đủ cả. Nếu ăn uống ở đây thì giá khá chát. Mình tìm được quán Alam Pizza có pizza rất ngon, mà lại rất rẻ. 200,000 Rupiah 2 người ăn không còn chỗ ních vào bụng nữa.

con phố ubud

Điều thú vị nữa ở Ubud là hầu như người dân theo đạo Hindu hoặc đạo Phật, nên họ ít ăn thịt, nếu có thịt thì là thịt gà trắng. Nên hầu như đồ ăn ở đây rất lành mạnh, ngoài việc gia vị rất nhiều, chủ yếu là vị cari và cay. Với những ai thích ăn uống ngập mặt thì hơi khó tìm đồ ăn ưng ý ở đây.

Ngày 5: Một vòng Đông Bắc Bali

Ở Ubud cũng rất nhiều chỗ chơi nhưng mình muốn đi xa hơn cho bõ nên mò đường đi đến 2 điểm xa tít tận gần cực Bắc của Bali là núi lửa Batur và đền Ulun Danu Beratan.

Ở đây thuê xe máy rẻ hơn, có 2 loại là 50,000 Rupiah xe phân khối nhỏ (tương đương Click) và 80,000 Rupiah xe phân khối lớn hơn, xe cũng to hơn, hợp với các bạn Tây hoặc nặng cân (tương đương Air Blade). Nhà mình cứ ngon bổ rẻ mà xơi, 50,000 + 20,000 do muốn thuê cả tối để đi ăn tối, trả vào sáng hôm sau, đổ xăng thêm 20,000 đi cả ngày rất khỏe, không vấn đề gì. Mình cũng thuê ô tô trở về Kuta sáng hôm sau ở đây luôn, 300,000 cho hơn 40km, so với giá taxi ở đây là rẻ hơn khoảng vài chục nghìn.

Sáng sớm đến đi bộ ở Campuhan Ridge Walk: ngay gần trung tâm Ubud, nó đơn giản là một con đường, với 2 bên là đồng cỏ và rừng. Đấy rất bình thường nhưng khách du lịch vẫn đến rất nhiều. Con đường này dài khoảng 2km, hoặc hơn nhưng mình không đi hết. Chỉ có thể đi bộ hoặc đạp xe đạp. Bạn có thể mua các tour đạp xe Ubud nếu là người yêu thích bộ môn này và có đủ sức khỏe. Khoảng 1,5M/người/ngày thì phải, mệt lắm nên là cân nhắc.

campuhan ridge walk

Núi lửa Batur: từ trung tâm Ubud đi xe máy khoảng 35km để đến nơi ngắm được núi lửa Batur, nơi ngắm là trên đường Kintamani. Là ngọn núi lửa lớn đã tắt, bao quanh chân núi là thung lũng có 1 cái hồ cũng rất rộng. Nếu đến đây buổi trưa thì vào 1 nhà hàng trên đường Kintamani để ăn trưa và ngắm núi lửa. Mặc dù giá cả khá cao nhưng cũng là một trải nghiệm khá thú vị, nhớ gọi món cá bắt từ sông dưới chân núi lửa nhé!

trên đỉnh núi lửa batur

Hình ảnh có liên quan

Hình ảnh có liên quan

rafting in Bali

Trải nghiệm hành trình trải nghiệm và thú vị khi chèo bè vượt thác ở sông Ayung

À “phí cầu đường” cho cả khu Kintamani này là 30.000 Rupiah/người với xe máy, mình không rõ ô tô thì thế nào. Chỗ ngã 3 đi từ Ubud lên gặp đường Kintamani sẽ có 1 booth cảnh sát thu tiền, gọi là vé ngắm cảnh khu vực núi lửa. Họ không có biển báo, rào chắn mà họ chỉ vẫy và nhắc nộp tiền. Mình nghĩ phí cũng hợp lý, bởi cả khu này chỉ có cái núi lửa, cứ đến xem free thì không ổn lắm. Mặc dù cách thu phí hơi không chuyên nghiệp, anh thì bảo là họ coi trọng ý thức của khách du lịch, ai có ý thức thì khi được yêu cầu dừng lại sẽ dừng luôn. Trước mình có 1 xe máy, trông giống người Việt Nam lắm, nghe gọi dừng lại nhưng vẫn đi tiếp, hoặc không hiểu gì nên cứ đi, và họ tiết kiệm được 60,000 🙂.

Ăn trưa xong lên đường đi đến đền Ulun Danu Beratan. Đi từ Kintamani khoảng 60km, nhưng chắc mình phải đi cỡ 2 giờ mới đến nơi. Đường đoạn này đi qua vùng núi, mát lạnh, nhiều chỗ rét run cầm cập vì cả 2 đều mặc quần áo ngắn, chỉ có cái áo khoác chống nắng mỏng.

Hình ảnh có liên quan

Kết quả hình ảnh cho đền Pura Ulun Danu

Tất cả những gì ngôi đền có chỉ là cái trong ảnh, có thêm vài khu đền chùa bên trong nữa, có thể rất hợp với các bạn ưa chuộng tín ngưỡng. Có vậy thôi mà khách du lịch đông khủng khiếp. Cả đoạn đường khoảng 3-4km tắc dài vì xe 45 chỗ cứ nối đuôi nhau đến. Không chỉ đến đền Ulun Danu này, gần đó còn có một khu vui chơi mạo hiểm nữa nên chắc cũng thu hút khách du lịch. Mình không ưa mạo hiểm nên đã không vào.

Từ đây về Ubud khoảng gần 50km nữa (không về đường cũ mà là đường khác tạo thành 1 vòng tròn để quay về điểm xuất phát). Nên cả cái quãng đường ngày hôm này là khá mệt, những ai không quen ngồi xe và chịu nắng thì không nên đi nhé.

Thay vào đó thì ở tại Ubud có nhiều chỗ đáng chơi, ví dụ như Bali Swing với các trò chơi xích đu trên cao, hay mấy cái tổ chim sống ảo… Nhưng vé khá đắt, 31$ /người đủ các trò chơi, 10$ /người được chụp ảnh mấy chỗ “an toàn”. Nên nhà mình không vào, không khoái lắm nên thấy hơi tiếc tiền hehe. Còn review của khách du lịch thì cũng khá ổn, nên bạn nào thích mạo hiểm và sống ảo thì có thể cân nhắc dành ra 700,000 VNĐ/người để chơi nha!

bali swing ubud

Mảng xanh tươi tốt bao quanh khiến xích đu Bali trở thành điểm chụp ảnh tuyệt vời

Kết quả hình ảnh cho Lên xích đu nổi tiếng tại Bali

Lên xích đu nổi tiếng tại Bali, chắc chắn sẽ khiến bạn bùng nổ 

kato lampo waterfalls

Trầm trồ trước thung lũng xanh thẫm với thác nước Tegenungan ở giữa

Hình ảnh có liên quan

Kết quả hình ảnh cho thác Tegenungan

Đến tối hôm nay sau khi ăn mãi mấy món địa phương rồi thì mình tìm được quán chuyên lợn hiếm hoi, mà giá lại rất rẻ, chắc vì ở đây lợn kém giá do họ không ăn. Quán tên là Warung D’Atas. Budget 1 bữa nhà mình là 200,000 Rupiah nên bữa này cũng gọi cố cho hết buget xem được đến đâu để so sánh với những chỗ đã ăn. Chuẩn là ngập thịt, tẩm ướp rất ngon. Nếu không biết ăn gì thì cứ gọi Combo meat + 1 món canh hay cơm gì ăn kèm nhé!

Ở đây hầu như quán ăn nào cũng có chữ Warung. Hiểu giống như Restaurant (nhà hàng) nên đấy cũng là cách để nhận biết khi tìm quán ăn nha!

Ngày 6: Dành ngày cuối cùng cho Kuta

Sáng hôm sau check-out khách sạn, xe đón lúc 10h, về đến Kuta mất gần 2h do đường ở đây rất lòng vòng.

Lúc này mình vừa chỉ còn một ít tiền Indo, vừa không biết ăn gì nên vào KFC. KFC ở đây cực kỳ rẻ, Fast & Cheap Food đúng nghĩa luôn. 2 người gọi 2 suất 3 miếng gà có cả cơm và 1 suất cơm gà kiểu Nhật, nước nôi đầy đủ chỉ có 59,000 Rupiah.

Chiều tính đi đến 2 cái đền đẹp huyền thoại ở đây để ngắm hoàng hôn và check-in cái nhưng mệt nên thôi, chỉ xách dép ra bờ biển cách khách sạn tầm 500m – Kuta Beach ngắm hoàng hôn chắc tuyệt nhất ở Đông Nam Á mất, chém gió thế vì chưa thấy chỗ nào mặt trời lặn đẹp thế này.

hoàng hôn tại kuta beach

Bãi biển ở đây rất dài và bằng, như cái sân vận động rộng đến tận vài trăm mét, chiều dài bãi thì chắc bằng 1/2 bãi Mỹ Khê ở Đà Nẵng, cát thì thua xa cát ở Mỹ Khê. Chỉ ngắm hoàng hôn và lướt sóng là tuyệt thôi.

Có thời gian và muốn tìm hiểu kiến trúc của 2 ngôi đền đặc biệt ở đây thì nên dành cả buổi chiều để đi, hoặc đi 1 trong 2 thôi. Đó là Tanah Lot và Uluwatu. Tanah Lot nằm ở một khối đá giữa biển, sáng sớm và chiều muộn sẽ nhìn thấy rõ đường nối từ bờ ra do thủy triều xuống, Uluwatu thì nằm trên vách đá cao ngất vươn ra biển, có lan can view biển và lại là khỉ, có nhiều khỉ ở đây.

Klook ngay tour ngắm hoàng hôn tại Tanah Lot

Tối đến có thể đi dạo phố dọc bờ biển hay các phố bên trong mua sắm quà hay tết kiểu tóc sát da đầu – dịch vụ phổ biến cùng với spa ở đây. Các chị Tây có vẻ rất thích vì thấy nhiều người làm lắm, mình nghĩ đến cảnh ngủ dậy nó sẽ thế nào nên thôi, bỏ qua.

Kết thúc ngày cuối cùng ở Bali, sáng hôm sau mình bay sớm về Kuala Lumpua, dự định transit để chơi 1 ngày ở đây nhưng kế hoạch có chút thay đổi do vấn đề sức khỏe. Vì thế mà không có ảnh Kuala Lumpua khoe với anh em bạn dì =)))

Giờ thì mọi người khỏi lo mất thời gian trong khoản đi máy bay như mình rồi nhé, vì giờ từ Hà Nội đi đã có chuyến bay thẳng rồi  

10. TỔNG THỆT HẠI

Tổng: 25,3M cho 2 người:

  • Vé máy bay: 10,2M
  • Khách sạn 6 đêm, 4 chỗ nghỉ: 3,8M
  • Vé tàu, xe, sim các thứ mua trước online: 3,3M
  • Ăn uống và các chi tiêu khác: 8M

=> chưa đến 13M/người.

Nhà mình ăn tiêu tiết kiệm, với cũng không có nhiều nhu cầu giải trí nên tiêu 8M cho 2 người là sát sít. Còn nếu kinh tế dư dả và nhu cầu ăn tiêu cao hơn chút thì cứ mang 10-15M cho thoải mái hehe.

Tips:

  • Book vé máy bay trước 4-6 tháng
  • Book phòng khách sạn, homestay trước 1-2 tháng
  • Mua các dịch vụ có thể mua online trong khoảng 1 tháng trước khi đi.
  • Lúc đi chỉ cần mang khoảng 5-10M/người, thế nên áp lực tiền không dồn 1 lúc, thay vì phải chuẩn bị một lúc 25-30M thì chia dàn đều ra từng mục, từng giai đoạn chuẩn bị vừa tiết kiệm mà đỡ áp lực. Muốn làm được điều này thì cần lên kế hoạch và ngân sách chi tiết từ sớm.
  • Tỷ giá Rupiah = VND x 1.7 (mình toàn x 2 cho nhanh).

Trên đây là kinh nghiệm chuyến đi này của nhà mình. Trước khi đi mình cũng tìm hiểu và tìm kiếm kinh nghiệm của nhiều chỗ, cũng mất khá lâu để tìm ra được kế hoạch riêng hợp với mình. Nên tham khảo chỉ là một chuyện, quan trọng là bạn hãy xem như nào phù hợp với bạn để có thể lấy làm kinh nghiệm, mỗi chỗ 1 tí, và nếu đã là đi tự túc thì tất nhiên phải mất thời gian mày mò thôi. Nhưng bõ công mà, rất đáng ấy chứ!